Phục giáng liên tiếp Chiêu Từ Thánh Hiến Hoàng hậu

Năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), ngày 23 tháng 2, Triết Tông băng hà sau 15 năm trị vì, thọ 23 tuổi. Em Triết Tông là Đoan vương Triệu Cát nối ngôi, tức là Tống Huy Tông. Bấy giờ, Hướng Thái hậu thùy liêm đồng thính chính, chủ trương chèn ép Tân đảng mà trọng dụng Cựu đảng, xin cho Mạnh hoàng hậu phục vị. Tống Huy Tông cho đón Mạnh hoàng hậu trở về cung, do vai vế của Mạnh hậu là Hoàng tẩu (vợ của anh), không thể tôn làm Hoàng thái hậu nên Mạnh hậu được tôn huy hiệu làm Nguyên Hựu Hoàng hậu (元祐皇后), còn Lưu hoàng hậu là Nguyên Phù Hoàng hậu (元符皇后)[1][14]. Khi ấy, trong cung có 2 vị Hoàng tẩu Hoàng hậu. Con gái nhỏ Phúc Khánh công chúa của Mạnh hậu, vào lúc khi Huy Tông lên ngôi đã được truy tặng làm Đặng Quốc công chúa (邓國公主). Năm sau (1101), mùa xuân, Hướng Thái hậu qua đời, Cựu đảng ủng hộ Mạnh hậu bị mất chỗ dựa.

Năm Sùng Ninh nguyên niên (1102), xảy ra Nguyên Hựu đảng nhân sự kiện, Cựu đảng ủng hộ Mạnh hậu bị phế trừ. Bấy giờ, Lưu hậu căm ghét việc Mạnh hậu phục vị nên giật dây cho Phùng Hải (馮澥) dâng sớ chỉ trích Hàn Trung Ngạn, nói Nguyên Hựu Hoàng hậu không đáng phục vị, lại thêm Thái Kinh, Triệu Đĩnh Chi (趙挺之), Trương Thương Anh (張商英) ra sức hùa vào, Tống Huy Tông bất đắc dĩ phải đưa Mạnh hậu trở lại Diêu Hoa cung, lấy hiệu Hi Vi Nguyên Thông Tri Hòa Diệu Tĩnh tiên sư (希微元通知和妙靜仙師). Từ đó, Mạnh hậu lại trải qua tiếp hơn 20 năm kiếp sống tu đạo[1][15][16]. Khi đó, Lưu hậu được tôn làm Sùng Ân Thái hậu, sau do kiêu ngạo quá độ, muốn can dự cả việc bên ngoài, tư thông với nhiều người nên bị Tống Huy Tông kiêng dè. Năm Chính Hòa thứ 3 (1113), Tống Huy Tông cùng quần thần nghị định rồi phế truất, Lưu Thái hậu uất ức[17].

Năm Tĩnh Khang nguyên niên (1126), đời Tống Khâm Tông, Diêu Hoa cung bị hỏa hoạn, Mạnh hậu dời sang Diên Ninh cung. Rồi Diên Ninh cung cũng gặp lửa, bà lại sang ở chỗ Tư trạch Tướng quốc tự tiền. Tống Khâm Tông cùng quần thần nghị định, muốn khôi phục địa vị cho bà, gọi là Nguyên Hựu Thái hậu (元祐太后). Tuy nhiên, việc đang giữa chừng thì thành Biện Kinh[18] bị người Kim vây hãm. Năm thứ 2 (1127), tháng giêng, Biện Kinh thất thủ, Tống Khâm Tông và Tống Huy Tông bị người Kim bắt làm tù binh, Bắc Tống diệt vong[19]. Sau đó, quân Kim áp giải toàn bộ tông thất nhà Tống đã bắt được lên phía bắc, duy Mạnh hậu do đã bị phế nên không bị giải đi[20].